Hạm đội hùng hậu của Tây Ban Nha—Chuyến hành trình dẫn đến thảm kịch

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở TÂY BAN NHA

Cách đây hơn bốn thế kỷ, một trận chiến đã nổ ra giữa hai hạm đội tại eo biển Măng-sơ. Đây là trận chiến giữa Công giáo và Tin Lành, đồng thời là một phần trong cuộc xung đột vào thế kỷ 16 giữa quân đội của nữ hoàng Ê-li-sa-bét I (theo Tin Lành) của nước Anh và vua Philip II (theo Công giáo La Mã) của Tây Ban Nha. Cuốn The Defeat of the Spanish Armada (Thất bại của hạm đội Tây Ban Nha) giải thích: “Đối với người thời đó, trận chiến giữa hạm đội Anh Quốc và Tây Ban Nha tại eo biển là. . . trận chiến sống còn cuối cùng giữa hai lực lượng thiện và ác”.

Đang xem: Cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha Kiểm Soát Không Lưu

Người Anh thời đó miêu tả hạm đội hùng hậu của Tây Ban Nha là “lực lượng hải quân mạnh nhất mà họ từng thấy”. Nhưng cuộc viễn chinh của hạm đội này đã thật sự là một sai lầm nghiêm trọng, đặc biệt là nó đã làm cho hàng ngàn người mất mạng. Mục tiêu của nó là gì? Tại sao nó thất bại?

Nguyên nhân xâm lăng Anh Quốc

Nữ hoàng Ê-li-sa-bét đã ủng hộ cuộc nổi dậy của Hà Lan chống lại sự cai trị của Tây Ban Nha và trong nhiều năm, những tên cướp biển người Anh đã cướp bóc tàu Tây Ban Nha. Ngoài ra, vua Philip II cảm thấy mình có trách nhiệm giúp người Công giáo ở Anh Quốc giải phóng đất nước khỏi sự bành trướng của phái “dị giáo” Tin Lành. Vì lý do đó, hạm đội Tây Ban Nha đã mang theo khoảng 180 linh mục và giáo sĩ. Thậm chí khi binh lính của hạm đội tập họp lại, mỗi người phải xưng tội với linh mục và lãnh nhận mình thánh Chúa.

Tinh thần mộ đạo của Tây Ban Nha và vua Philip đã được phản ánh trong lời phát biểu sau của một tu sĩ dòng Tên nổi tiếng người Tây Ban Nha là Pedro de Ribadeneyra: “Chúng ta chiến đấu vì Thiên Chúa và đạo của chúng ta. Ngài sẽ dẫn đường cho chúng ta, và với một vị tướng chỉ huy như thế, chúng ta không có gì phải sợ”. Còn về phần Anh Quốc, họ hy vọng rằng một chiến thắng quyết định sẽ mở đường cho đạo Tin Lành nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu.

Kế hoạch xâm lăng của vua Tây Ban Nha dường như khá rõ ràng và đơn giản. Vua Philíp ra lệnh cho hạm đội dong buồm đến eo biển Măng-sơ, kết hợp với Công tước xứ Parma và 30.000 lính tinh nhuệ đang đóng quân tại Flanders.* Lực lượng này sẽ vượt qua eo biển, cập bến ở Essex và tiến quân vào Luân Đôn. Vua Philip cho rằng người Công giáo ở Anh Quốc sẽ từ bỏ vị nữ hoàng theo đạo Tin Lành, và gia nhập vào lực lượng của ông.

Tuy nhiên, kế hoạch của vua Philip có một số sai lầm nghiêm trọng. Ông cứ trông chờ sự hỗ trợ và hướng dẫn của Chúa nhưng lại bỏ qua hai chướng ngại chính—sức mạnh của hải quân Anh, và trở ngại trong việc kết hợp với quân đội của Công tước xứ Parma vì không có một cảng nước sâu thích hợp tại nơi họ sẽ gặp nhau.

Một hạm đội hùng hậu nhưng kềnh càng

Vua Philip chọn Công tước xứ Medina-Sidonia làm tướng chỉ huy hạm đội hùng hậu ấy. Dù có ít kinh nghiệm về hải quân, công tước này là một người có tài tổ chức, nhanh chóng chiếm được sự hợp tác của những vị chỉ huy kỳ cựu dưới quyền ông. Họ cùng nhau tạo nên một lực lượng chiến đấu, cũng như cố gắng hết sức để cung cấp thực phẩm và nước uống cho hạm đội hùng hậu này. Họ cẩn thận lập ra những ký hiệu, hiệu lệnh và những đội hình nhằm hợp nhất lực lượng đa quốc gia của họ.

Những trận chiến tại eo biển Măng-sơ

Khi hạm đội Tây Ban Nha đến bờ biển Plymouth ở tây nam nước Anh, thì quân đội Anh đang chờ sẵn. Hai bên có cùng số chiến thuyền, nhưng chúng được thiết kế khác nhau. Những chiến thuyền của Tây Ban Nha rất cao lớn, và trên boong đầy những khẩu súng đại bác tầm ngắn. Với những tháp pháo cao lớn ở mũi và đuôi thuyền, chúng trông giống hệt những pháo đài nổi. Chiến lược hải quân của Tây Ban Nha là binh lính phải tràn lên và áp đảo thuyền địch. Trong khi đó, chiến thuyền của Anh Quốc thì thấp và nhanh nhẹn hơn, được trang bị nhiều khẩu đại bác tầm xa hơn. Các chỉ huy của quân Anh dự định không tiếp cận nhưng sẽ tiêu diệt những tàu chiến Tây Ban Nha từ xa.

Để vô hiệu hóa sự chuyển động nhanh nhẹn và hỏa lực của hạm đội Anh, vị tướng chỉ huy của Tây Ban Nha nghĩ ra một đội hình phòng thủ theo hình lưỡi liềm. Những chiến thuyền mạnh nhất, được trang bị những khẩu đại bác tầm xa nhất, sẽ bảo vệ ở hai đầu. Dù quân thù tấn công từ hướng nào, hạm đội Tây Ban Nha cũng có thể xoay chuyển và đối mặt với kẻ thù như một con trâu giương sừng nhắm vào con sư tử đang ngăm nghe tiến đến gần.

Hai hạm đội có những cuộc chạm trán nhỏ dọc theo eo biển Măng-sơ và cũng trải qua hai trận đánh nhỏ. Đội hình phòng thủ của Tây Ban Nha đã chứng tỏ hữu hiệu, và những khẩu đại bác bắn từ xa của Anh Quốc đã không thể đánh chìm bất cứ chiến thuyền nào của Tây Ban Nha. Những chỉ huy của quân Anh nhận ra rằng họ phải phá vỡ đội hình này và làm cho những chiến thuyền Tây Ban Nha đi vào tầm ngắm của họ. Cơ hội đã đến vào ngày 7 tháng 8.

Công tước xứ Medina-Sidonia đã làm theo mệnh lệnh được giao, chỉ huy cả hạm đội đến điểm hẹn với Công tước xứ Parma và đội quân của ông. Trong khi đợi tin của Công tước xứ Parma, Công tước xứ Medina-Sidonia đã ra lệnh cho hạm đội thả neo ở Calais, bờ biển nước Pháp. Vì chiến thuyền Tây Ban Nha đã thả neo và rất dễ bị tấn công, nên quân Anh đã cho tám chiếc thuyền ra khơi, mang theo những chất liệu dễ cháy và châm lửa. Hầu hết các thuyền Tây Ban Nha đều cuống cuồng tìm đường thoát nạn. Và rồi những luồng gió mạnh và dòng hải lưu đã đẩy họ lên hướng bắc.

Xem thêm:

Tảng sáng hôm sau, trận chiến cuối cùng bùng nổ. Hạm đội Anh nã pháo vào các chiến thuyền Tây Ban Nha ở cự ly gần, tiêu diệt ít nhất ba chiếc thuyền và làm hư hại nhiều thuyền khác. Vì quân Tây Ban Nha có ít đạn nên họ dành phải chịu bị tấn công dữ dội.

Tuy nhiên, một cơn bão mạnh đã khiến quân Anh phải hoãn lại cuộc tấn công cho đến hôm sau. Vào buổi sáng, hạm đội Tây Ban Nha lại điều chỉnh đội hình theo hình lưỡi liềm, và với một ít đạn dược còn lại, họ quay lại chuẩn bị tấn công kẻ thù. Nhưng trước khi quân Anh có thể nã súng, thuyền của Tây Ban Nha nhận ra rằng họ sắp gặp tai họa lớn vì gió và dòng hải lưu đang hướng về phía mạn thuyền, đẩy họ vào những bãi cát ngầm thuộc vùng Zeeland, gần bờ biển Hà Lan.

Khi tình thế tưởng chừng như vô vọng thì gió đã đổi hướng và đẩy hạm đội Tây Ban Nha đến vùng biển an toàn ở phía bắc. Nhưng đường quay về Calais đã bị hạm đội Anh Quốc đón đầu, và gió vẫn cứ tiếp tục đẩy họ về hướng bắc. Công tước xứ Medina-Sidonia thấy rằng không còn lựa chọn nào khác, nên ông phải từ bỏ kế hoạch xâm lăng nước Anh để bảo toàn càng nhiều chiến thuyền và binh lính càng tốt. Ông quyết định quay về Tây Ban Nha bằng cách đi vòng qua Scotland và Ireland.

Bão tố và đắm tàu

Những chiến thuyền của hạm đội Tây Ban Nha đã trải qua một chuyến hành trình gian nan để trở về quê nhà. Thực phẩm thì khan hiếm và các thùng chứa bị rò rỉ nên nước uống còn lại rất ít. Những đợt tấn công của quân Anh đã làm hư hại nhiều thuyền và chỉ còn một số có thể chịu đựng được sóng gió. Sau khi đến gần miền duyên hải tây bắc Ireland, hạm đội Tây Ban Nha gặp phải những cơn bão dữ dội kéo dài hai tuần. Một số thuyền đã bị mất tích mà không để lại dấu vết nào! Số khác thì bị đắm ở ven bờ biển Ireland.

Cuối cùng, vào ngày 23 tháng 9, chiến thuyền đầu tiên của hạm đội đã ì ạch lê được về đến thành phố cảng Santander, miền bắc Tây Ban Nha. Khoảng 60 thuyền và chỉ khoảng nửa số người rời Lisbon đã trở về. Hàng ngàn người đã bỏ mạng ngoài biển khơi. Nhiều người khác chết vì bị thương hoặc vì bệnh trong chuyến hành trình trở về. Thậm chí những người sống sót trở về được bờ biển Tây Ban Nha cũng phải tiếp tục chịu đựng nhiều gian nan.

Cuốn The Defeat of the Spanish Armada cho biết những người trên một số thuyền “không còn thức ăn và dần dần chết vì đói” dù họ đã về được đến cảng của Tây Ban Nha. Sách này cũng nói rằng tại cảng Laredo của Tây Ban Nha, một chiếc thuyền đã bị mắc cạn “vì không còn đủ người để có thể hạ buồm và thả neo”.

Ý nghĩa lịch sử của trận đánh

Dù những cuộc chiến tôn giáo vẫn còn tiếp tục sau đó, nhưng thất bại của hạm đội Tây Ban Nha đã củng cố niềm tin của người Tin Lành ở Bắc Âu. Họ tin rằng chiến thắng đó là bằng chứng cho thấy Chúa ban phước, và điều này được khắc trên chiếc huy chương của Hà Lan để kỷ niệm sự kiện này. Dòng chữ khắc trên đó là Flavit יהוה et dissipati sunt 1588, có nghĩa “Đức Giê-hô-va dấy lên trận gió làm quân thù phải tan tác vào năm 1588”.

Qua thời gian, Anh Quốc trở thành một cường quốc thế giới. Cuốn Modern Europe to 1870 (Châu Âu cận đại đến năm 1870) cho biết: “Vào năm 1763, Anh Quốc nổi lên thành một cường quốc thương mại và thực dân đứng đầu thế giới”. Thật vậy, sách Navy and Empire (Hải quân và Đế quốc) nhận xét: “Năm 1763, Đế quốc Anh chế ngự cả thế giới như thể Đế quốc La Mã đã sống lại và bành trướng”. Sau này, Anh Quốc kết hợp với thuộc địa trước đây của nó là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ để hình thành cường quốc thế giới Anh-Mỹ.

Những người nghiên cứu Kinh Thánh thấy rằng có một điều rất thú vị liên quan đến sự thăng trầm của các cường quốc chính trị trên thế giới. Đó là vì Kinh Thánh cho biết nhiều thông tin về các thế lực lần lượt cai trị thế giới như: Ai Cập, A-si-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi và Phe-rơ-sơ (Ba Tư), Hy Lạp, La Mã và cuối cùng là cường quốc đôi Anh-Mỹ. Thật vậy, từ lâu Kinh Thánh đã tiên tri trước về sự thăng trầm của một số trong những cường quốc này.—Đa-ni-ên 8:3-8, 20-22; Khải-huyền 17:1-6, 9-11.

Xem thêm:

Khi xem lại lịch sử, chúng ta thấy rõ ràng những gì đã xảy ra vào mùa hè năm 1588—những nỗ lực xâm lăng của hạm đội Tây Ban Nha bị thất bại—mang một ý nghĩa quan trọng. Gần 200 năm sau thất bại của hạm đội Tây Ban Nha, Anh Quốc đã nổi lên trở thành cường quốc thế giới và qua thời gian, nó đóng vai trò chủ chốt trong việc làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *