Hòa thượng THÍCH CHƠN KHÔNGPhó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tửKiêm Trưởng Phân ban Cư sĩ Phật tử Trung ương GHPGVN

Giới thiệu tóm tắt

Hòa thượng Thích Minh Đức – Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Trung ương, kiêm Viện trưởng Viện Hoằng Đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Thiền chủ Hội Lục Hòa Tăng là bậc tòng lâm thạch trụ, là tấm gương đạo đức sáng ngời, đạo đời hai ngã vẹn toàn cả hai. Trên thì cầu đạo vô thượng Bồ đề, dưới hết lòng giáo hóa chúng sanh. Đất nước gặp cơn nguy biến thì Ngài không ngại hiểm nguy gian khổ cùng chư huynh đệ dấn thân hành động, xuyên suốt từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến khi viên tịch vào năm 1971.

Đang xem: Bí ẩn hiện tượng “xá lợi toàn thân” của hòa thượng thích minh đức

Trong thời kỳ Cách mạng hoạt động bí mật, từ năm 1955 – 1960, chùa Thiên Tôn là cơ sở của Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định1 Ngài đã nuôi giấu Hòa thượng Thích Minh Nguyệt – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN, nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ, Hòa thượng Thích Thiện Hào – Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và nhiều vị cán bộ lãnh đạo cao cấp, như: Ông Nguyễn Văn Linh – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Ông Huỳnh Tấn Phát – Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ông Võ Văn Kiệt – Thủ tướng Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Những năm trước đó, chùa Thiên Tôn là cơ sở Ban Trí vận Khu ủy đã từng tiếp đón Ông Nguyễn Hữu Thọ – Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong 2 cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Hòa thượng Thích Minh Đức đã tích cực vận động quần chúng nhân dân, đồng bào Phật tử ủng hộ: lương thực, vải sồ, thuốc men, máy đánh chữ… chuyển về chiến khu Đồng Tháp Mười ủng hộ Cách mạng.

1. Dẫn nhập

Đạo Phật Việt Nam được các bậc cao tăng Ấn Độ và Trung Hoa truyền bá từ khởi thủy đến nay trải qua gần 2000 năm lịch sử, tùy vận mệnh của đất nước, Phật giáo chúng ta có khi thịnh khi suy, nhưng luôn luôn đồng hành với dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, chúng ta phải tự hào rằng: Phật giáo đã sản sinh ra rất nhiều vị thiền sư, cư sĩ tài hoa lỗi lạc, đạo đức tuyệt vời, phát tâm hộ trì Tam bảo, trị an đất nước, như Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Vạn Hạnh; vua Lý Thái Tổ, vua Trần Thái Tôn, vua Trần Nhân Tôn… Trong thời cận đại, đất nước ta có nhiều biến động chính trị, nhân dân cả nước đã nổi dậy cướp chính quyền trong tay giặc Pháp năm 1945 và tích cực hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn quốc kháng chiến” năm 1946. Do từ trước, được sự giáo dục động viên hun đúc tinh thần yêu nước của Tổ Huệ Đăng, nhiều vị đệ tử của Tổ đã chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận hy sinh, quyết tâm tham gia hoạt động Cách mạng, trong số các vị đó, có Hòa thượng Thích Minh Đức – Viện trưởng Viện Hoằng Đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Khai sơn chùa Thiên Tôn.

2. Thân thế

Hòa thượng Thích Minh Đức, thế danh Lê Minh Chánh, sinh ngày mùng 1 tháng 6 năm Quý Mão (1903) tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Định Tường (Tiền Giang), nay thuộc địa phận tỉnh Bến Tre. Thân sinh của Ngài là cụ ông Lê Minh Thứ, pháp danh Như Lan, pháp hiệu Hoằng Quang, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Chốn pháp danh Trừng Giai, pháp tự Diệu Minh. Ngài sinh trong gia đình có 7 anh chị, gồm 5 trai, 2 gái, Ngài là ngươi con út, thấm nhuần Nho giáo, hiểu thông y lý, và có lòng kính tin Tam bảo. Thuở nhỏ, Ngài học đạo nơi chùa Long Định, núi Nam Qui, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc2; chùa do cụ thân sinh sáng lập năm 1918.

3. Xuất gia hành đạo

Sau khi song thân mãn phần, năm 1934 Ngài đã 32 tuổi, nhận thức rỏ: “Thế gian vô thường, có họp phải tan, họp mà không tan là đều không thể, muốn giải thoát giác ngộ cần phải xuất gia tầm đạo”. Sau khi suy xét kỹ càng, Ngài xin phép sư huynh là Yết ma Pháp Khánh lên đường tầm sư học đạo.

Ngài tìm hiểu trong giới tu hành, được biết tại chùa Thiên Thai ở núi Dinh, Bà Rịa, có Tổ Huệ Đăng đang lập Thiên Thai Thiền Giáo tông – Liên Hữu hội, xuất bản tạp chí Bát Nhã Âm làm cơ quan Ngôn luận truyền bá giáo lý, cổ vũ cho Hội. Nơi đây tập hợp được nhiều danh tăng làm cho Ngài thêm kỳ vọng, nên chẳng quản gian lao khó nhọc, càng đi càng ngắm nhìn phong cảnh núi hoa xinh đẹp, trước mặt ngôi chùa Thiên Thai trang nghiêm tú lệ được nghe tiếng từ lâu, nay tận mắt nhìn thấy. Tức cảnh sinh tình, Ngài ngâm rằng:

“Cheo leo chân cứng đá mềm

Lướt xông ngàn dặm, nào hiềm gần xa

Nhìn xem cảnh vật nguy nga

Tứ bề đá dựng như tòa thiên công

Đường đi cát đá trắng bông

Hai bên rừng rú bịt bùng âm u

Tre xanh phất phới mùa thu

Vượn reo chim hót thanh tao vui vầy

Thiên Thai cảnh đẹp lắm thay

Bước vào đảnh lễ bạch thầy quy y”.

Ngài dâng lễ vật xin quy y, Sư tổ Huệ Đăng xem thấy Ngài đạo mạo thiền na, hình dung nho nhã, nên thâu nhận làm đệ tử mới, truyền tam quy ngũ giới và ban cho pháp danh Trừng Úy, pháp tự Thiện Mẫn, Ngài ở lại đây tu học đến cuối năm, Ngài được Tổ đặc cách cho thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Phước Hậu – Long Xuyên. Giới đàn này do chính Tổ Huệ Đăng chứng minh, Ngài Yết Ma Pháp Cự làm Đường đầu Hòa thượng.

Năm 1936, Ngài tham dự khóa hạ tại Tổ đình Long Hòa, Bà Rịa. Lúc mãn hạ có đàn thí giới, Tổ Huệ Đăng chứng minh, Yết Ma Minh Tâm làm Đường đầu Hòa thượng, Ngài được cử làm Đệ nhất tôn chứng.

Năm 1937, Ngài tham dự khóa hạ tại chùa Giác Hoàng, Cần Thơ, nhận chức Phó na. Cùng năm này, tại chùa Thiên Long, Biên Hòa khai đàn thí giới, chư sơn tôn Ngài làm Giáo thọ.

Năm 1938, chùa Thanh Lương (Biên Hòa) khai đàn thí giới, Ngài được suy cử làm Yết ma A xà lê. Từ giới đàn này, Tổ Huệ Đăng nhận thấy sự tu hành của Ngài ngày càng tăng trưởng, có thể ích lợi cho đạo mạch mai sau và cũng là “Đống lương Phật pháp”. Do đó, Tổ ban cho Ngài pháp hiệu Minh Đức. Tổ xuất kệ truyền dạy rằng:

TRỪNG thủy vô ba nguyệt tự lai,

ÚY an tịnh lự tuyệt trần ai,

MINH tâm chiếu kiến không ngũ uẩn,

ĐỨC tánh từ bi trí huệ khai.

Năm 1939, Ngài được bổ xứ Trụ trì chùa Hoa Nghiêm, Cần Giuộc, nơi đây Ngài đã cất một thảo am, để hằng năm nhập thất an cư.

Năm 1943, Hương chức xã Tân Thới Nhứt ngưỡng mộ danh đức của Ngài, nên thỉnh Ngài về Trụ trì chùa Giác Hoàng, Bà Điểm, Hóc Môn. Tại đây ngoài việc hằng năm tiếp tục kiết thất an cư, Ngài còn tiếp Tăng độ chúng, xây dựng giảng đường và Đông lang Tây lang, để có nơi cho Tăng chúng tu học. Do hoạt động tích cực của Ngài, chùa Giác Hoàng trở thành cơ sở quan trọng của Phong trào Chấn hưng Phật giáo; quý Hòa thượng: Pháp Linh, Thiện Chiếu, Hoằng Không, Long Quang thường xuyên hội họp tại đây. Bên cạnh việc hoằng đạo, Ngài còn biến nơi đây thành nơi gặp gỡ của không ít cán bộ cách mạng cao cấp. Do đó, khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 bùng nổ, chùa Giác Hoàng là một hậu cứ quan trọng.

Năm 1947, Ngài xuống bến đò Cây Keo, đường Bến Hàm Tử, gần chợ Hòa Bình, nay thuộc P.5, Q.5 là nơi có nhiều dân cư lao động. Ngài dựng một ngôi chùa nhỏ đặt tên Tăng Phường Giác Hoàng (chùa Giác Hoàng) để khuyến hóa quần chúng nhân dân tu tập và đồng thời vận động quần chúng ủng hộ kháng chiến chống Pháp.

Dù bận rộn nhiều Phật sự, nhưng tại đây, hàng năm vào tháng giêng, tháng năm và tháng chín Ngài chuyên tu “Chuẩn Đề ngũ hối sám nghi” và cấm túc an cư kiết hạ theo thiền môn qui củ. Đây là phương pháp tu mà Ngài cho là chóng đạt Phật lực, cần thiết để cảm hóa mọi người.

Năm 1950, Ngài lên núi Chứa Chan an cư kiết hạ 3 tháng trong Thạch Động.

Năm 1951, Ngài được suy cử Đường đầu Hòa thượng nhân mùa kiết hạ tổ chức tại chùa Long An ở Nancy quận 13. Năm 1952, chùa Giác Hoàng, Bến Hàm Tử chịu chung số phận bị hỏa tai với bà con chung quanh. Ngài quyết tâm xây lại ngôi chùa khác lớn hơn, không xa nền chùa cũ bao nhiêu. Đó là chùa Thiên Tôn4. Công trình xây chùa mãi đến năm 1954 mới hoàn thành. Phòng thuốc Nam từ thiện được Ngài mở ra ngay vào năm 1952, trước khi xây lại chùa.

Năm 1955, Ngài về thăm lại chùa Long Định tại núi Nam Qui, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nơi mà thuở ấu thơ Ngài đã xuất gia. Do chiến tranh tàn phá, chùa không còn, Ngài được cư dân chung quanh hỗ trợ chặt phá cỏ cây để sau đó xây lại ngôi chùa đầy kỷ niệm này. Khi hoàn thành, Ngài cho tiếp độ Tăng chúng về tu học, xây tháp cho Tôn sư và lập bảo đồng cho cố mẫu. Cũng trong thời gian này, Ngài được mời tham gia thành lập Hội Lục Hòa Tăng cùng với các Hòa thượng: Thiện Tòng, Thành Đạo, Pháp Nhạc…

Năm 1955 – 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch “Tát nước bắt cá”, nhiều cơ sở cách mạng nội thành bị lộ, các hoạt động đấu tranh của quý Hòa thượng cũng bị ảnh hưởng, quý Hòa thượng đứng đầu Hội Lục Hòa Tăng bị bắt, như: HT. Thích Thành Đạo – chùa Phật Ấn Q.1, HT. Thích Pháp Nhạc – chùa Long An Q.1, HT. Thích Thiện Nghị chùa Đức Lâm – Q. Tân Bình, HT. Thích Minh Giác – chùa Long Vân – Q. Bình Thạnh, cư sĩ Lê Hoàng Minh – tỉnh Tiền Giang, ông Thanh Đạm, ông Lê Văn Đổng… và nhiều cán bộ nội thành cũng bị bắt, nên các hoạt động của Hội cũng tạm ngưng, cùng lúc Trường Phật học Lục Hòa, tạp chí Phật học, đều bị đóng cửa, nhà in bị tịch thu. Những biến động này đều có liên quan ảnh hưởng đến chùa Thiên Tôn – Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Tuy nhiên, nơi tiếp xúc, hội họp của các cán bộ Trung ương và Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định vẫn được bảo vệ an toàn đến tháng 4/1960.

Năm 1956, Ngài làm Thiền chủ Hội Lục Hòa Tăng, trực tiếp đưa Hội vào các cao trào đấu tranh của nhân dân.

Năm 1960 sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, Ngài trở về chùa Thiên Tôn tập hợp các vị còn lại, khôi phục lại các hoạt động Hội Lục Hòa Tăng từ nhiều cấp.

Năm 1964, Ngài mua đất xây dựng nên ngôi chùa Địa Tạng tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn.

Năm 1969, Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử hợp thành Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam để huy động lực lượng đảm nhiệm vai trò mới, Ngài được Đại hội suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Trung ương kiêm Viện trưởng Viện Hoằng Đạo. Sau đó, thành lập Tổng Đoàn Thanh Niên Tăng Ni. Trụ sở được đặt tại chùa Thiên Tôn cho đến năm 1975. Tổng đoàn này trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam, có nhiệm vụ “chống Mỹ cứu nước”.

Xem thêm: Hoài Lâm Hà Thị Cầu – Hoài Lâm Giả Hà Thị Cầu Hát Xẩm

Cùng năm này, Ngài Khai giảng Phật học viện Minh Đức tại chùa Thiên Tôn, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến tháng 10/1973 mới hoạt động, đến tháng 8/1975 thì đình chỉ.

Mặc dù, đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong giáo hội và trụ trì nhiều tự viện, nhưng hàng ngày Hòa thượng vẫn có thời khóa tu niệm, mỗi năm đều cấm túc an cư kiết hạ, hướng dẫn Tăng chúng và Phật tử tu tập. Khi bước vào tuổi 60, Hòa thường càng tinh tấn hơn nữa trong sự tu tập, mỗi năm Ngài nhập thất tịnh tu thêm trong 3 tháng mùa đông.

4. Tham gia cách mạng

4.1 Thời kháng chiến chống Pháp

Tháng 8/1945, Hòa thượng đứng vào hàng ngũ cách mạng, cùng nhân dân đứng lên cướp chính quyền xã Bà Điểm, Hóc Môn – Tham gia thành lập Phật giáo Cứu quốc Hóc Môn – Gia Định. Dùng chùa Giác Hoàng làm nơi tiếp tế nuôi quân kháng chiến chống Pháp. Vận động tài chính, lương thực thuốc men, vải sồ, giấy mực, máy đánh chữ gửi về chiến khu Đồng Tháp Mười.

Năm 1947 – 1952, Hòa thượng vào Sài Gòn xây dựng chùa Giác Hoàng tại bến đò Cây Keo, đường Bến Hàm Tử, P.5, Q.5, làm nơi ăn chốn ở đón tiếp cán bộ Phật giáo Cứu quốc và cán bộ chiến khu về hoạt động.

4.2 Thời kháng chiến chống Mỹ

Năm 1955 – 1960: Chùa là cơ sở của Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định, Hòa thượng cho lập phòng thuốc nam từ thiện (năm 1952) để chữa bệnh cho dân và che mắt địch; xây “hầm” bí mật để đảm bảo an toàn cho cán bộ lãnh đạo như: ông Nguyễn Văn Linh, ông Huỳnh Tấn Phát, HT. Thích Minh Nguyệt, HT. Thích Thiện Hào, v.v… tới lui hội họp và làm việc. Chùa cũng là cơ sở của Ban Trí vận Khu ủy, tiếp đón ông Nguyễn Hữu Thọ và các nhà trí thức yêu nước.

Năm 1960, cơ sở bị địch lục soát, theo dõi gắt gao, Đặc khu ủy Sài Gòn -Gia Định và Ban Trí vận Khu ủy được dời đi nơi khác. Tuy vậy, chùa Thiên Tôn vẫn là cơ sở hoạt động cách mạng. Hòa thượng Thích Minh Đức rút lui về Châu Đốc lánh nạn. Sau khi tình hình ổn định, Ngài trở lại chùa Thiên Tôn tiếp tục vận động tài chính ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống Mỹ – Diệm cho đến ngày viên tịch.

Năm 1971, do tuổi cao sức yếu, nhiệm vụ với đất nước và bổn nguyện độ sanh của Ngài đã viên mãn, Ngài thâu thần thị tịch lúc 11 giờ 30 ngày 8 tháng 7 năm 1971 (ngày 16 tháng 5 năm Tân Hợi), thọ 69 tuổi, được 37 hạ lạp. Cuộc đời và sự nghiệp đạo đức của Hòa thượng là tấm gương cao quý để chư Tăng Ni và Phật tử học tập.

Sau khi thống nhất đất nước, vào dịp Tết Bính Thìn-năm 1976, ông Nguyễn Văn Linh, Giáo sư Nguyễn Văn Chì, HT. Thích Minh Nguyệt, HT. Thích Thiện Hào, … đã thân hành đến chùa thắp hương tưởng niệm Hòa thượng.

5. Nhận xét đánh giá

5.1 Trong buổi Tọa đàm tại chùa Thiên Tôn, Hòa thượng Thích Thiện Hào phát biểu nhận xét như sau:5

“Trong thời gian từ 1955 – 1960, chế độ Ngô Đình Diệm đã phá hoại hiệp định Giơ-neo, chủ trương không tổng tuyển cử, mà nó chủ trương “Tát nước bắt cá”, cho nên các cán bộ cách mạng cũng như chi bộ Đảng CSVN ở trên Tp. Hồ Chí Minh này cũng như các tỉnh, nó đều quét sạch hết. Nhưng ở đây, ở tại trung tâm Thành phố này, Hòa thượng Minh Đức dám bảo đảm nuôi chứa cán bộ cao cấp Cách mạng, đó là sự tính toán rất kỹ mà sự hy sinh rất lớn. Trong giai đoạn này không ai dám chứa cán bộ trong nhà cả, gọi là chiến dịch “Tát nước bắt cá” mà Hòa thượng dám chứa cá gộc, chớ không phải cá nho nhỏ, như: Ông Nguyễn Văn Linh mà bây giờ là Tổng Bí Thư ĐCSVN và ông Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Trung ương, trong lúc đó thì chưa, nhưng cũng là cán bộ cao cấp của Cách mạng. Ông Võ Văn Tuấn 6 – Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định ở tại chùa Thiên Tôn này để sinh hoạt, tôi được biết cán bộ cao cấp là mấy vị đó, cũng như anh Lê Quốc Sử trình bày, Hòa thượng đều nuôi dưỡng ủng hộ cho các vị sinh hoạt thì trong giai đoạn đó, nếu nói ra một chút thì tánh mạng Hòa thượng không còn và ngôi chùa Thiên Tôn này cũng không còn nữa, nhưng mà Hòa thượng dám làm, tức là tinh thần hy sinh của Hòa thượng rất lớn. Vì có chuyện quan trọng như thế, trong chùa chứa cán bộ Cách mạng cao cấp, nếu không có bình phong để núp thì có ngày sẽ bị phát hiện. Nhà thuốc Đông y hồi trước, hiện giờ cái nhà đó vẫn còn đó mà bệnh nhân hằng ngày tới lui đông đảo, để nó thấy rằng đây là cái phòng thuốc… cho nên sự đóng góp của Hòa thượng Minh Đức trong giai đoạn đó rất lớn và sự hy sinh cũng rất lớn”.

5.2 Hòa thượng Thích Trí Tâm phát biểu nhận xét như sau7:

“Ngoài đức tính từ bi hoan hỷ sẵn có, trên cương vị lãnh đạo Giáo hội, cố Hòa thượng thực hiện câu: “Dụng nhơn như dụng mộc”; sử dụng nhân tài không dựa vào tính chất địa phương hoặc chỉ dùng người trong môn phong đệ tử. Bởi vậy, liệt vị Tăng Ni Bắc, Nam, Trung đều kính mến”.

Để tưởng niệm công đức của Hòa thượng, nhân Buổi Tọa đàm hôm nay, tôi xin thành tâm kính dâng bài thơ:

Hòa thượng Thiên Tôn đạo hạnh cao,

Thiền lâm thạch trụ chí anh hào,

Từ bi hỷ xả nêu gương sáng,

Phụng đạo giúp đời giới đức cao”.

6. Kết luận

Qua các phần trình bày nêu trên, tôi xin mượn lời phát biểu của ông Trịnh Công Thịnh – Phó Chủ tịch UBMTTQVN quận 58 để kết thúc bài tham luận này như sau:

“Chúng ta vô cùng cảm phục về thân thế đạo đức cả cuộc đời hành đạo của Hòa thượng gắn liền với dân tộc Việt Nam, Hòa thượng đã sử dụng chùa Thiên Tôn làm nơi nuôi chứa bảo vệ cán bộ Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định trong thời kỳ Cách mạng hoạt động và cũng tại chùa Thiên Tôn này đã phục vụ tiếp khách và làm việc phổ biến nhiều chủ trương nghị quyết quan trọng của Đảng, để góp phần vào đấu tranh chống đế quốc thực dân, dành độc lập tự do cho dân tộc. Hòa thượng Thích Minh Đức và ngôi chùa Thiên Tôn này đã góp phần chiến thắng vào Cách mạng Việt Nam, làm sáng tỏ thêm cho Phật giáo Việt Nam, là đạo của từ bi và trí tuệ vô ngã vị tha. Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo lớn của dân tộc Việt Nam, đã gắn bó với dân tộc Việt Nam với truyền thống yêu nước từ lâu đời, thì Hòa thượng Thích Minh Đức là một trong các vị Hòa thượng yêu nước, như: Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, … là những vị Thiền sư yêu nước, đã góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước theo hướng đổi mới của Đảng hiện nay.”

Tiếp theo là mấy vần thơ mang ý nghĩa triết lý: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” của nhà Phật, để kính dâng Hòa thượng Thích Minh Đức:

1) Hỏi thăm cảnh CỰC LẠC (xướng):

Đôi lời xin hỏi bạn đồng tâm

Đây đến Tây phương mấy dậm tầm?

Qua lại bao phen gần Cực Lạc?

Dọc ngang mấy kiếp đến Lôi Âm?

Hàng cây bảy báu nay cao thấp?

Thất bảo Liên trì đặng thiển thâm?

Bồ tát ít nhiều xin kể rõ

Kẻo mà thiện tín luống hoài tâm.

(Cư sĩ Như Không)

2) Họa nguyên vận:

Giác tâm Tịnh độ chẳng ngoài tâm

Còn hỏi làm chi mấy dậm tầm

Vô não vô ưu là Cực Lạc

Bất sanh bất diệt ấy Lôi Âm.

Bồ đề bảo thọ không cao thấp

Bát nhã liên trì chẳng thiển thâm

Bồ tát thánh phàm đồng một thể

Thần thông biến hóa chỉ do tâm

(Giáo sư Phục)

Kính chúc chư Tôn đức Ban Chứng minh, Đoàn Chủ tọa, quý vị lãnh đạo, quý đại biểu: vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường trong ánh hào quang rạng ngời của mười phương chư Phật. Kính chúc Hội thảo thành công viên mãn.

*

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Huệ Thông Lược sử Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TPHCM. 2019;

2. Thích Huệ Thông Lịch sử Phật Giáo Bình Dương, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TPHCM. 2015;

3. Thích Thiện Hoa 50 Năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Viện Hóa đạo GHPGVNTN Ấn hành 1970;

4. Thích Minh Tuệ Lược sử Phật Giáo Việt Nam, THPG TPHCM Ấn hành 1993;

5. Vân Thanh Lược khảo Phật Giáo sử Việt Nam qua các thời đại và nguồn phát của giáo phái Phật giáo, Ấn hành 1974;

6. Tỉnh hội Phật Giáo Tiền Giang Phật Giáo Tiền Giang Lược sử và những ngôi chùa, Nxb. TPHCM. 2002;

7. GHPGVN Biên niên sử Phật giáo Gia định – Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, Nxb. TPHCM. 1998;

8. Đỗ Quang Hưng Tôn giáo và mấy vấn đề Tôn giáo Nam bộ, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội. 2001

9. Tạp chí Một số nghiên cứu về Tôn giáo, Tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, 2019, 2020;

10. Ban Văn hóa Trung ương Kỷ yếu Hội Nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, 1984;

11. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Kỷ yếu Tham luận Hội thảo hướng dẫn Phật tử Miền đông và Miền Tây Nam bộ, 2010;

12. Nguyễn Hiền Đức Tiểu sử Tổ đình Thiên Thai, Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Đăng, Ấn hành 1994;

13. BDĐPG Q.5 Kỷ yếu buổi Tọa đàm Bậc chân tu ái quốc: Cố Hòa thượng Thích Minh Đức – Nguyên Viện trưởng Viện Hoằng pháp, tr.19, tr.20 tổ chức tại chùa Thiên Tôn, ngày 26.7.1991 (16-5-Tân Mùi);

14. Tổ đình Long Thạnh Kỷ yếu lễ tang Hòa thượng Thích Bửu Ý, Ấn hành 1997;

15. Thành hội Phật giáo Tp.HCM Kỷ yếu lễ tang Hòa thượng Thích Thiện Hào, Nxb Tp. HCM. 1998.

* Các trang web

1. phatgiao.org.vn

2. huongdanphattu.vn

3. giacngo.vn

4. wikipedia.org

5. btgcp.gov.vn

6. tongiaovadantoc.com

1 Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định, gọi đủ là Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.

2. Năm 1876, địa bàn huyện Tri Tôn thuộc hạt Châu Đốc. Đến năm 1889 trở thành quận Tri Tôn thuộc tỉnh Châu Đốc, nay là tỉnh An Giang.

3. Chùa Long An hiện nay ở số 106 đường Nguyễn Văn Cừ quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

4. Chùa Thiên Tôn hiện nay ở số 117/3/2 đường An Bình, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

5. Hòa thượng Thích Thiện Hào – Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh. Trích phát biểu của Hòa thượng được ghi trong quyển “Kỷ yếu buổi Tọa đàm Bậc chân tu ái quốc: Cố Hòa thượng Thích Minh Đức – Nguyên Viện trưởng Viện Hoằng GHPGCTVN”, tr.19 và tr. 20, tổ chức tại chùa Thiên Tôn ngày 26.7.1991 (16-5-Tân Mùi).

6. Ông Võ Văn Tuấn được HT. Thiện Hào nhắc trong phát biểu Buổi Tọa đàm Bậc chân tu ái quốc: Cố Hòa thượng Thích Minh Đức…” Sđd tr.19 tức là ông Võ Văn Kiệt – Bí thư Đặc Khu ủy Sài Gòn – Gia Định kiêm Trưởng ban Tuyên huấn lúc bấy giờ. Trích nguồn https://vi.wikipedia.org /wiki;

7. Hòa thượng Thích Trí Tâm – Trưởng ban nghi Lễ Trung ương GHPGVN, Nguyên Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo, kiêm Chánh Đại diện Phật giáo Trung phần GHPGCTVN.

Xem thêm:

8. Trích Kỷ yếu buổi Tòa đàm Bậc chân tu ái quốc: Cố Hòa thượng Thích Minh Đức sđd tr.17.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *