– Mặc dù có vai trò cá nhân lớn trong công tác tham mưu để từ đó nhiều quyết định từ Tổng hành dinh được thông qua, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thái luôn dùng ngôi “chúng tôi”, hầu như không có dòng nào viết về bản thân mình.

Đang xem: đại tướng hoàng văn thái và bản kế hoạch “lần thứ tám”

*

Năm 2017, tôi có dịp cùng gia đình và đồng đội của Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986) về thăm xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Thời điểm đó, địa phương đang hoàn thiện ngôi đình làng, nơi ghi dấu những năm tháng vợ chồng đại tướng từng ở lại hoạt động và tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo kháng chiến của Bộ Tổng Tham mưu.

*

Đại tướng Hoàng Văn Thái (Ảnh tư liệu)Anh Dương Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến lúc bấy giờ cho biết, sinh thời, đại tướng dù bận công việc nhưng cũng đã nhiều lần trở lại đây thăm bà con dân bản năm xưa từng nuôi giấu mình. “Hồi ấy, trong khoảng hai năm hoạt động ở địa phương, chủ yếu ở nhà chú họ tôi, đồng chí Hoàng Văn Thái hay dùng bí danh là Quốc Bình. Ông lại rất khiêm nhường, việc gì cũng không nề hà nên phải đến mãi về sau bà con mới biết ông là một tướng lĩnh cấp cao của quân đội”- anh Bảo nói.

Giai đoạn này, Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu, đang là bí thư cho đồng chí Hoàng Văn Thái nên ông cũng nắm khá rõ. Vừa lặng lẽ leo lên thăm từng quả đồi mình đã từng đi qua, ông vừa kể cho chúng tôi nghe về người thủ trưởng của mình, với nhiều cương vị từng đảm nhiệm như: Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội ta; Tham mưu trưởng các chiến dịch: Việt Bắc thu-đông (1947), Biên Giới (1950), Trung Du (1950), Đồng Bằng (1951), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954)…

*

Từ phải sang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái chỉ đạo và theo dõi tác chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (Ảnh tư liệu)Ngày hòa bình lập lại, mặc dù không là cấp dưới trực tiếp của đồng chí Hoàng Văn Thái nữa nhưng Đại tá Nguyễn Bội Giong vẫn gắn bó với ông và gia đình như người trong nhà. Ông kể: “Tôi vẫn ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu nên việc của “các cụ” cũng được biết đôi chút. Đại tướng Hoàng Văn Thái đúng là vị tướng của công tác chỉ huy, tham mưu. Chống Pháp rồi chống Mỹ, ông đều phát huy tài năng của mình để giúp dân, giúp nước. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã đóng góp trí tuệ, tâm huyết cùng Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. 

Trước đó, tháng 8-1966, Trung tướng Hoàng Văn Thái được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5. Đến tháng 3-1973, đồng chí ra Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ 21 sau đó ở lại chữa bệnh, rồi được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương. Trong khoảng thời gian gần 8 năm ở chiến trường miền Nam, trên nhiều cương vị như: Phó bí thư Trung ương Cục, Phó bí thư Quân ủy Miền kiêm Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam (với bí danh Mười Khang), Tư lệnh các chiến dịch: Lộc Ninh (1967), Tây Ninh (1968), Xuân-Hè (1972)… tướng Hoàng Văn Thái hiểu rất rõ tình hình chiến trường miền Nam lúc bấy giờ nên ông đã được Trung ương và Bộ Quốc phòng triệu tập trở lại Tổng hành dinh công tác.

Xem thêm: Instagram Q&A – 4 Điều Thầm Kín Nàng Không Bao Giờ Nói Với Chồng

Đại tá Hoàng Quốc Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty VAXUCO-con trai của đại tướng có một kỷ niệm mãi không quên về cha giai đoạn này. Ông kể: “Đầu năm 1969, cha ra Bắc báo cáo tình hình cách mạng miền Nam với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Chú Hoàng Văn Thiệm là em của cha, do di chứng vết thương hồi kháng chiến chống Pháp bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn, dịp đó được trên cho xe đón đến Quảng Bá để anh em gặp nhau sau quãng thời gian dài xa cách. Khi xe tới, cửa vừa mở, có chú bảo vệ chìa lưng ra để cõng chú Thiệm. Cha liền đi nhanh tới và nói: “Cảm ơn các cậu, đây là việc riêng của anh em chúng tớ”, rồi cúi xuống cõng chú Thiệm. Tôi thấy chú ngồi trên lưng cha, mắt rưng rưng”.

*

Khu vực đồi cọ thuộc xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên- nơi đồng chí Hoàng Văn Thái từng hoạt động.Ở chiến trường dù rất bận nhưng đồng chí Hoàng Văn Thái vẫn thường xuyên viết thư cho các con. Đại tá Hoàng Quốc Hùng chia sẻ: “Cha tôi thường nói, tuy không có nhiều thời gian nhưng lúc nào có thể là cha sẽ viết, mỗi ngày viết một ít để khi có thể gửi đi thì thư được dài. Ông cũng dặn chúng tôi nên làm như vậy để cha con luôn hiểu nhau và thấy gần nhau hơn”. Và với sự thấu hiểu tâm sự của các con, trong một lá thư gửi từ miền Nam ra, tháng 8-1967, ông viết: “Các con ạ, muốn trưởng thành, trước hết phải bồi dưỡng và rèn luyện cho mình có lý tưởng. Có lý tưởng rồi, còn phải coi việc phấn đấu cho lý tưởng là điều cao quý nhất, là hạnh phúc lớn nhất. Ngoài ra trong cuộc sống, phấn đấu có quan điểm và xây dựng đúng về tình bạn, tình đồng chí… Các con tuổi đang còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm đấu tranh trong xã hội, trong cuộc sống. Cuộc sống sẽ rèn luyện dần cho các con, nhưng các con phải tự rèn luyện mình. Ba tin ở các con lắm”.

Cũng theo lời kể của con trai đại tướng, khi rời chiến trường B2 về Hà Nội công tác, gia đình ông được đoàn tụ nhưng cũng không thường xuyên gặp nhau. Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái rất bận bịu, nhưng cụ thể là những việc gì thì phải mãi đến sau này khi cuốn hồi ký “Những năm tháng quyết định” của ông, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản lần đầu năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước họ mới được biết chi tiết. Mặc dù có vai trò cá nhân lớn trong công tác tham mưu để từ đó nhiều quyết định từ Tổng hành dinh được thông qua, nhưng trong cuốn hồi ký này, đồng chí Hoàng Văn Thái luôn dùng ngôi “chúng tôi”, hầu như không có dòng nào viết về bản thân mình (trừ phần “Những suy ngẫm sau mười năm”) để kể. Bởi theo ông, những gì làm được là kết quả của sức mạnh tập thể, của các đồng chí, đồng đội mình. Đại tướng Hoàng Văn Thái viết: “Khi đã có đủ các yếu tố để nghiên cứu, xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch cơ bản, chúng tôi cùng tổ trung tâm của Cục Tác chiến soát xét lại các bản dự thảo kế hoạch đã được anh em chuẩn bị từ trước…”.

Xem thêm:

Cho đến nay, 36 năm ngày ông đi xa, nhưng tài năng và những đóng góp của ông cho đất nước, quân đội vẫn còn nguyên sức sống. “Hình ảnh người cha tôn kính qua mỗi lần nhắc nhớ là sự động viên khích lệ chúng tôi phấn đấu vươn lên, sống ngay thẳng, trung thực và là người có ích cho xã hội như những lời cha dạy bảo khi còn sống” – Đại tá Hoàng Quốc Hùng nói./.

(Theo qdnd.vn)

*

Tag: Đại tướng Hoàng Văn Thái bản kế hoạch “lần thứ tám” Bộ Tổng tham mưu Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *